Cha của anh là cố đạo diễn Lý Thái Bảo – người nổi tiếng ở cả hai thể loại phim truyện và tài liệu. NSND Lý Thái Dũng bắt đầu làm quen với điện ảnh sau những lần ngồi “hóng” và nghe cha bàn chuyện nghề với các đồng nghiệp. Bên cạnh đó, anh cũng có cơ hội được tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ tên tuổi cùng thời với cha. Với anh, điện ảnh là một công việc thú vị nhưng cũng rất nhiều rủi ro.
Anh nhớ lại hồi đi học luôn học rất tốt các môn khoa học tự nhiên. Với nền tảng tốt như vậy, nếu không là quay phim, anh có thể là kỹ sư chế tạo máy. Nhưng cuối cùng, Lý Thái Dũng lại trở thành sinh viên của lớp Quay phim khóa 2 của trường Sân khấu – Điện ảnh.
“Tôi còn nhớ năm lớp 9, cha đã mua cho tôi một chiếc máy ảnh. Từ những tấm ảnh do chính tôi chụp cho gia đình và bạn bè đã kích thích bản năng trong tôi. Kể từ đó, tôi muốn khám phá sâu hơn về kỹ thuật để tìm cách chụp sao cho đẹp hơn” – NSND Lý Thái Dũng chia sẻ và cho rằng, đó là một trong những khởi điểm để đam mê của anh bắt đầu.
NSND Lý Thái Dũng |
Nhìn vào sự nghiệp của NSND Lý Thái Dũng, chúng ta có thể hình dung một chiều dài lịch sử của điện ảnh nước nhà, khi anh từng chinh chiến lần lượt ở Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương, Hãng phim truyện Việt Nam và góp phần làm nên rất nhiều tác phẩm bất hủ của điện ảnh Việt.
Giải Quay phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam (LHPVN) lần thứ 13 (năm 2001) phim Thung lũng hoang vắng, đồng Giải kỹ thuật xuất sắc nhất tại LHPVN lần thứ 14 (năm 2004) trong phim Hàng xóm, và Giải quay phim xuất sắc nhất tại LHPVN lần thứ 15 (năm 2007) phim Vũ điệu tử thần rồi Quay phim xuất sắc tại LHPVN lần thứ 16 và Cánh diều 2009 cho phim Chơi vơi…, Lý Thái Dũng đã có trong tay mọi giải thưởng ở Việt Nam. Ở quốc tế, anh từng giành giải Đạo diễn hình ảnh xuất sắc tại Liên hoan phim quốc tế ASEAN cùng nhiều giải thưởng lớn nhỏ khác…
Là một tên tuổi của Hãng phim truyện Việt Nam, giữa cơn bão cổ phần hóa, Lý Thái Dũng không khỏi bất bình, nhưng cũng có cái nhìn trực quan và đa chiều. Anh từng nói rằng: “Tôi là nghệ sĩ trưởng thành và thành danh tại Hãng, đương nhiên rất buồn và cũng mong có một phép màu nào đó. Hy vọng Hãng phim truyện Việt Nam sẽ được hỗ trợ một khoảng thời gian tốt hơn bởi hơn 2 thập kỷ làm tại đây, tôi thấy nó luôn khó khăn và chưa bao giờ thoát ra được.
Chưa bao giờ chúng tôi có một cú hích cho dù có được hỗ trợ tiền làm phim, tất cả vẫn chỉ là giật gấu vá vai thôi. Với một Hãng phim mà không am hiểu kinh tế thị trường với nhiều cơ chế bó buộc thì cũng chỉ ‘vắt mũi nuôi nhau’ tạm thời. Tất cả các cơ chế phải đủ tiêu chuẩn của một doanh nghiệp được thụ hưởng, còn hiện chưa có một sự chuẩn bị đúng mức. Và việc kết cục dẫn đến ngày hôm nay là không có gì đáng ngạc nhiên cả”.
Có vẻ như anh là người không mấy chấp niệm với quá khứ, hiểu rằng thời đại nào rồi cũng sẽ phải kết thúc để nhường chỗ cho những cái mới, nhưng không có nghĩa là chúng ta bỏ quên đi những giá trị xưa cũ mà làm sao để phát huy nó một cách hiệu quả:
“Phải nhìn nhận rằng điện ảnh Cách mạng đã hoàn thành xong sứ mệnh của nó và tư duy làm phim thời đó đã không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường như hiện nay. Dù vậy, điện ảnh Cách mạng sẽ mãi là nguồn cảm hứng lớn cho các nhà làm phim hiện nay, bởi những tác phẩm ngày đó mặc dù còn thô sơ về điều kiện làm phim, nhưng cái tài và cái tâm chính là giá trị quý báu nhất mà các bậc cha chú để lại cho chúng ta. Để rồi nay điện ảnh trong thời kỳ mới, các bạn trẻ lại có động lực để làm ra những tác phẩm tốt phục vụ cho đối tượng khán giả cũng như bối cảnh của thời đại này.
Để điện ảnh Việt Nam ngày nay phát triển, khai phá những cái mới nhưng vẫn phát huy những giá trị truyền thống là điều mà chúng ta luôn hướng tới, mặc dù rất khó. Theo tôi, nếu hòa hợp và giải quyết được tối đa những vấn đề tồn đọng thì chủ trương xã hội hóa vẫn luôn là hướng đi tốt vì đầu tư điện ảnh luôn gặp rất nhiều rủi ro. Mong rằng những mô hình phim xã hội hóa như Truyền thuyết về Quán Tiên và trước đó là Tôi thấy Hoa vàng trên cỏ xanh sẽ được nhân rộng trong tương lai”.
NSND Lý Thái Dũng vẫn lao động miệt mài, nhưng phần nhiều quãng thời gian của anh hiện giờ gắn bó với người trẻ. Với vai trò giảng dạy tại Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, anh luôn được sinh viên gọi với cái tên thân thương “cụ Lý”.
NSND Lý Thái Dũng và sinh viên |
Với “cụ Lý”, những nhà quay phim, những đạo diễn trẻ trong tương lai luôn được thấm nhuần tư tưởng điện ảnh là bộ môn mà ta được thỏa mãn một cách rất tinh tế và cũng chỉ có những người làm chuyên môn cực đoan nhất mới tìm ra cách thỏa mãn mình ở trong sự chật chội, bó buộc nào đó.
“Cụ Lý” luôn xuất hiện trong những buổi giảng dạy với phong thái bụi bặm. Với quần kaki, áo phông khoác thêm áo sơ mi không đóng cúc bạt gió, đầu đội mũ lưỡi trai. Sinh viên nhìn Lý Thái Dũng giống như anh bước ra từ bối cảnh nào đó về và truyền đạt cho các bạn trẻ những kinh nghiệm thực chiến, để thấy rằng đã là một nhà quay phim, cần phải dùng vốn quan sát, dùng xúc cảm của bản thân làm của để dành và để xài trong suốt chặng đường làm nghề.
Ngoài ra, Lý Thái Dũng chưa bao giờ quên nhắc nhở những sinh viên của mình rằng, đừng quá ỷ lại vào công nghệ hiện nay: “Ngày nay, các bạn thường nghe tới cụm từ 4.0 và rõ ràng nó đang ảnh hưởng từ khâu đào tạo, phương thức sản xuất làm phim, phát hành trong điện ảnh. Nên là khi có cái gì đó mới thì thông thường sẽ được sử dụng rất nhiều và khó tránh khỏi lạm dụng. Thành ra, tôi lại muốn nhấn mạnh rằng, những thứ đó mãi chỉ là hình thức, đi cùng với nó luôn phải là một nội dung, một câu chuyện được kể dưới năng lực của cả một tập thể. Do đó, công nghệ không có lỗi gì ở đây nếu phim bạn làm ra không hay”.
Tư duy lỗi lạc, kinh nghiệm dạn dày khi đã trải qua khắp các thời kỷ của điện ảnh, những nghệ sĩ như Lý Thái Dũng quả thực là một điểm tựa dành cho các nhà làm phim muốn học hỏi kinh nghiệm, từ góc máy, ánh sáng đậm chất văn học trong điện ảnh. Như cảnh quay cận mặt nhân vật Triệu (Lê Vi đóng) trong phim Giải hạn được tạo ra bằng việc rút ruột hai cuộn Konica 200asa lắp vào thân máy quay trở thành cảnh quay mang tính lịch sử, cho thấy sự khủng khiếp của thời điện ảnh nghèo khó. Hay cách làm chủ ánh sáng vô cùng tài tình, khi chọn một không gian hẹp, hai quầng ánh sáng đối lập để bật lên khoảnh khắc đại diện của hai người đàn bà trong Chơi vơi… tất cả đều giống như những bài học chuẩn mực, nhưng để cảm nhận được và đạt được thành công như Lý Thái Dũng, có lẽ cần có rất nhiều sự thấu cảm nhưng tinh tế, ý nhị, đưa người xem chìm vào cảm xúc sâu sắc.
“Quay phim là một Nhà dịch thuật. Cùng với đạo diễn, người Quay phim có nhiệm vụ chuyển đổi từ ngôn ngữ của tiếng mẹ đẻ (từ kịch bản, ý tưởng trên trang giấy) sang ngôn ngữ hình ảnh mang tính quốc tế ngữ” – NSND, nhà quay phim Lý Thái Dũng. |