Tăng trưởng kinh tế TP HCM quý I cao nhất 5 năm

Chu Trần Vũ
GRDP quý I của TP HCM ước tăng 6,54%, đạt mục tiêu đề ra và là tốc độ cao nhất kể từ 2020.

Kết quả này cũng cao hơn so với dự báo trước đó của các chuyên gia ở mức 5,5%, theo Cục Thống kê TP HCM. Giai đoạn 2020-2023, GRDP quý I của thành phố tăng cao nhất là 4,58% vào 2021. Cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng của đầu tàu kinh tế chỉ 0,7%.

Dịch vụ vẫn là động lực chính của thành phố trong 3 tháng đầu năm nay, đóng góp đến 71,6% vào tốc độ tăng trưởng chung và chiếm 65,6% cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, tiêu dùng nội địa tích cực, với doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 12,2%.

Công nghiệp cũng có chuyển biến tốt, đóng góp 16,4% vào mức tăng chung. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I tăng 5,1%, cao hơn Hà Nội (3,6%), Đà Nẵng (0,6%), Cần Thơ (2,1%) nhưng thấp hơn Hải Phòng (12,6%).

Thành phố vẫn là thị trường tiềm năng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với 247 dự án FDI, tăng 14,4%. Nhưng quy mô vốn hiện khá thấp, chỉ 0,44 triệu USD mỗi dự án (quý I/2023 là 0,62 triệu USD mỗi dự án), cho thấy địa phương chưa thu hút được các doanh nghiệp FDI quy mô lớn.

Năm nay, TP HCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,5-8%. Theo Cục Thống kê, tăng trưởng quý I sẽ tạo đà cho các quý còn lại. Tuy nhiên tăng trưởng càng về sau sẽ khó khăn hơn vì mức nền so sánh các quý tới với năm 2023 cao.

Cùng với đó, công nghiệp cải thiện nhưng còn phục hồi chậm, bình quân chỉ 1,8% từ 2019 đến nay. Ba tháng đầu năm, nhiều ngành sản xuất như điện tử, máy vi tính, sản phẩm quang học, quần áo, giày da vẫn suy giảm.

Môi trường kinh doanh trên địa bàn cũng chưa cải thiện đáng kể. Trong quý I, cứ một doanh nghiệp mới tham gia thị trường lại có một doanh nghiệp rút lui, tức tỷ lệ 1/1. Tỷ lệ tương ứng vào cùng kỳ năm ngoái là 1/0,9. Dư nợ tín dụng tăng 8%, vẫn khá khiêm tốn so với mục tiêu 15% kế hoạch năm.

Theo Cục trưởng Thống kê Nguyễn Khắc Hoàng, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh xuất khẩu chưa cải thiện nhiều, trước mắt cần ưu tiên hỗ trợ tiêu dùng nội địa vì đây vẫn là động lực chính. Hiện tổng cầu trong nước cũng thấp hơn khoảng 5 điểm % so với tiềm năng, tức còn dư địa cải thiện.

Vốn đầu tư công cũng phải đẩy mạnh. Dự kiến hết quý này, thành phố giải ngân được hơn 5.600 tỷ đồng (đạt 7,1%), trong khi mục tiêu là trên 10% vốn giao cả năm (gần 8.000 tỷ đồng). Hôm 27/3, Lãnh đạo TP HCM yêu cầu kho bạc, sở ngành liên quan làm việc cả thứ 7 và chủ nhật của tuần cuối tháng 3 để đảm bảo tiến độ giải ngân của quý.

Dài hạn hơn, Cục Thống kê cho rằng cần cải thiện năng suất lao động để tăng trưởng bền vững. Đồng thời, khơi thông các nhóm thể chế và môi trường pháp lý, tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, khôi phục kinh doanh.