'Cơn khát' USD của Ai Cập

Lê Thị Thu Huyền
Thiếu hụt ngoại tệ trầm trọng và khủng hoảng kinh tế, Ai Cập liên tiếp bán cơ sở hạ tầng cho láng giềng đề nhận cứu trợ và đầu tư.

Vào thời điểm Ai Cập đang thiếu ngoại tệ nghiêm trọng, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang chuẩn bị bơm 35 tỷ USD vào nước này. Phần lớn số tiền được dành cho việc phát triển Ras El-Hikma, một bán đảo rộng 170 triệu m2, trải dài trên khoảng 50 km bãi biển cát trắng.

Đứng sau thương vụ là quỹ nhà nước ADQ của Tiểu vương quốc Dubai. ADQ tham vọng biến Ras El-Hikma trở thành "một trong những thành phố mới lớn nhất được phát triển bởi một tập đoàn tư nhân" bằng cách biến nó thành một địa điểm du lịch sang trọng kết hợp với trung tâm tài chính và khu vực tự do thương mại.

Abu Dhabi đã chuyển trước 10 tỷ USD và sẽ chuyển tiếp 12 tỷ USD trong 2 tháng tới. Còn lại 11 tỷ USD sẽ được giải ngân từ lượng tiền gửi hiện có của UAE tại Ngân hàng Trung ương Ai Cập. Số tiền này sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án khác nhau trên khắp đất nước.

Người đi đường ngang qua một điểm đổi tiền có hình tờ USD ở Cairo, Ai Cập ngày 6/3. Ảnh: Reuters

Cairo đang chật vật các khoản nợ ước tính hơn 160 tỷ USD và cuộc khủng hoảng thanh khoản tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Khoản đầu tư khổng lồ của UAE tiếp thêm làn gió mới, cùng với gói vay bổ sung của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF). Đầu tháng 3, IMF phê duyệt khoản vay mới trị giá 5 tỷ USD, sau thỏa thuận ban đầu trị giá 3 tỷ USD vào cuối năm 2022.

Vậy Ai Cập đang thiếu ngoại tệ đến mức nào? Trong hai năm qua, tình trạng thiếu hụt USD nghiêm trọng đã khiến nhập khẩu bị đình trệ, ảnh hưởng dây chuyền đến ngành công nghiệp địa phương. Giá nhiều loại thực phẩm thiết yếu tăng nhanh hơn nhiều so với lạm phát chung, lên mức kỷ lục 38% trong tháng 9/2023.

Đồng bảng Ai Cập đã giảm hơn hai phần ba so với USD kể từ tháng 3/2022. Lãi suất tăng và nội tệ suy yếu làm tăng chi phí trả nợ nước ngoài. Hiện các khoản thanh toán lãi đã chiếm hơn 45% tổng doanh thu trong năm tài chính kết thúc tháng 6/2023 của quốc gia này.

Thiếu ngoại tệ bắt đầu nghiêm trọng từ khi Tổng thống đương nhiệm Abdel Fattah el-Sisi lên điều hành năm 2014. Ngoài các khoản chi thường xuyên, nước này đã chi mạnh tay cho cơ sở hạ tầng, bao gồm nhà ở, thành phố mới và đường sá. Siêu dự án nổi bật nhất là thủ đô mới trị giá 58 tỷ USD ở sa mạc phía đông Cairo.

Đồng thời, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho hay nhập khẩu vũ khí của Ai Cập cũng tăng mạnh trong thập kỷ qua, khiến nước này trở thành nước nhập khẩu lớn thứ ba trên toàn cầu.

Giới chức Ai Cập nói họ đã tăng chi tiêu với các chương trình xã hội dành cho người nghèo, bao gồm hỗ trợ tiền mặt cho khoảng 5 triệu gia đình, mặc dù các nhà phê bình cho rằng phúc lợi không đủ để bảo vệ mức sống. Hiện ước tính có 60% trong số 106 triệu người Ai Cập ở dưới hoặc gần mức nghèo khổ.

Tiền từ UAE đến đã tạo ra những tác động nhất thời. Trong khi tỷ giá ngân hàng được ấn định ở mức 30 bảng Ai Cập đổi một USD thì thực tế tỷ giá đã đạt mức 70 bảng đổi một USD trên thị trường chợ đen vào tháng trước. Sau thông báo về thỏa thuận với UAE, tỷ giá hạ nhiệt xuống còn 44 bảng vào đầu tháng 3.

Nhưng cái giá để được bơm ngoại tệ không nhỏ. Để tiếp tục được IMF cho vay thêm, Cairo đã phải cam kết thả nổi đồng bảng Ai Cập mà trước đây bị quốc tế cho là định giá quá cao. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Ai Cập đã tăng lãi suất thêm 6 điểm, lên kỷ lục 27,25%.

Chính phủ Ai Cập đồng thời cũng phải tăng kỷ luật tài chính nhằm giảm lạm phát và thâm hụt thương mại. IMF yêu cầu giảm tốc độ chi tiêu cho cơ sở hạ tầng cải cách cơ cấu nhằm khuyến khích tăng trưởng khu vực tư nhân, bằng cách loại bỏ các miễn trừ và đặc quyền dành cho doanh nghiệp nhà nước.

Với tiền nhận từ Vùng Vịnh, Ai Cập phải tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khu vực này mua lại tài sản trong nhiều lĩnh vực, từ du lịch và nông nghiệp đến ngân hàng, cảng và dược phẩm. Đó là điều có qua có lại, khi để giúp đỡ nền kinh tế Ai Cập thập kỷ qua, Vùng Vịnh đã gửi tổng cộng 28 tỷ USD vào Ngân hàng trung ương Ai Cập.

Tháng trước, Cairo bán một khách sạn cổ lại cho ADQ với giá 800 triệu USD. Chính phủ đang chuẩn bị tư nhân hóa việc quản lý các sân bay, đồng thời thông báo mời đấu thầu quốc tế. Tổng thống el-Sissi cũng đã phê chuẩn luật cho phép bán đất sa mạc cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Sau bán đảo Ras El-Hikma, một siêu dự án khác ở miền Nam Sinai đã được thảo luận, nằm bên bờ Biển Đỏ. Bán đảo Ras Gamila có thể thu hút nguồn vốn của Arab Saudi ước tính khoảng 15 tỷ USD để phát triển một dự án khu du lịch.

Dù chính phủ Ai Cập đã tuyên bố sẽ giữ lại 35% lợi nhuận dự kiến từ dự án Ras El-Hikma nhưng thỏa thuận này vẫn tạo một số ngờ vực. Nói trên Le Monde, nhà kinh tế Ilhami El-Mirghani nói không thực sự biết hàng tỷ USD sẽ được bơm vào kênh nào và số tiền còn lại sẽ được chi vào dự án nào. Ai Cập đã từ bỏ quyền sở hữu đất đai chưa.

Theo chuyên gia, bằng cách bán những tài sản này, đất nước mất quyền kiểm soát với đất đai của mình. "Chúng tôi đang mất đi các công ty tốt nhất, các nguồn lực chiến lược, thế chấp các cảng và sân bay", ông nói.