Cua gạch Cà Mau bán sẵn ở Mỹ giá hơn nửa triệu đồng

Võ Thị Kim Oanh
Cua gạch Cà Mau hấp sẵn bắt đầu thăm dò thị trường Mỹ với giá bán lẻ 22 USD, tương đương 545.000 đồng mỗi con trọng lượng khoảng 400 gram.

Đây là lô cua gạch Cà Mau hấp sẵn đầu tiên của Việt Nam đến Mỹ khoảng 2.000 con, xuất bởi công ty Vua Cua bằng đường hàng không.

Sản phẩm bắt đầu được bán ra từ tuần này tại các chợ và siêu thị người Việt, Hàn Quốc, Hong Kong và chuẩn bị thủ tục lên một sàn thương mại điện tử chuyên về thực phẩm tại nước này. Trong thời gian thử nghiệm, CEO Vua Cua Đoàn Thị Anh Thư cho biết dự kiến xuất 800 kg đến một tấn cua gạch hấp mỗi tuần sang Mỹ.

Theo bà Thư, cua gạch Cà Mau có triển vọng kinh doanh tốt vì nhu cầu ăn cua gạch nhiều hơn cua thịt. Tại Mỹ, đối thủ trực tiếp của cua gạch Cà Mau là cua nâu Na Uy. Loại này có gạch nhiều hơn và giá cũng rẻ hơn. Trên sàn online Sayweee, một con cua nâu Na Uy hấp trọng lượng 500-600 gram giá gốc chưa đầy 12 USD, và chỉ còn 8,8 USD sau khuyến mại.

Tuy nhiên, bà Thư cho rằng cua gạch Cà Mau có vị thế riêng. "Gạch của cua nâu Na Uy nhỉnh hơn nhưng thịt nhạt và hơi mặn trong khi chất thịt cua Cà Mau ngọt và thơm hơn", bà phân tích.

Cua gạch hấp Cà Mau tại Mỹ. Ảnh: NVCC

Thừa nhận chưa thể cạnh tranh về giá với cua nâu Na Uy, CEO Vua Cua cho biết trong tháng tư sẽ thu hẹp khoảng cách bằng việc chuyển sang vận chuyển đường biển. "Tháng này, tôi sẽ xuất nguyên container đầu tiên gồm cua hấp và các mặt hàng khác như bánh canh cua, xôi cua, nước sốt. Đi đường tàu giá bán lẻ có thể hạ xuống còn 19 USD mỗi con", bà Thư cho biết.

Cuối năm ngoái, sau 2 năm nghiên cứu và hoàn thiện pháp lý, công ty bà Thư cũng là đơn vị đầu tiên xuất khẩu chính ngạch cua Cà Mau chế biến sẵn sang Mỹ với nhiều vị sốt khác nhau, cùng với ốc hương hấp đông lạnh. Dòng sản phẩm này tiêu thụ đạt nhưng không bùng nổ như công ty kỳ vọng, một phần do thị hiếu.

"Doanh nghiệp khá tự hào về sản phẩm của mình nhưng mang sang Mỹ bán nguyên dãy hàng y như tại Việt Nam thì khó thành công vì thị hiếu thị trường có khác biệt. Lần này, chúng tôi tập trung vào cua gạch hấp giúp khách hàng chủ động chế biến theo đúng khẩu vị, tiếp cận được số đông hơn", bà Thư nêu kinh nghiệm.

Theo tìm hiểu của bà, ngoài nhu cầu về cua gạch, cua cốm (cua 2 da) cũng được người tiêu dùng tại Mỹ ưa chuộng nhưng chưa thể triển khai do nguồn cung tại Việt Nam ít sản lượng có kích cỡ lớn phù hợp.

Theo công ty dữ liệu xuất nhập khẩu Volza, Mỹ là nước nhập khẩu cua nhiều nhất thế giới năm qua, tính theo số lô hàng, từ hơn 70 nước. Trong đó, 3 nhà cung cấp chính là Ấn Độ, Indonesia và Trung Quốc.

Riêng Việt Nam, Mỹ nhập khoảng 1.700 lô thịt cua ghẹ từ Việt Nam thông qua 149 nhà nhập khẩu từ 125 nhà cung cấp, chủ yếu ở dạng thịt xay, thanh trùng đóng lon, càng đông lạnh.

Cà Mau là tỉnh có quy mô nuôi cua cao nhất cả nước. Tổng giá trị sản lượng cua bình quân mỗi năm trên 10.000 tỷ đồng. Từ 2023, cua được xác định là ngành hàng chủ lực hàng đầu, chỉ sau tôm. Mỗi vùng nuôi đã xây dựng nhãn hiệu riêng. Trên mỗi con cua của các cơ sở kinh doanh đều đã gắn tem truy xuất nguồn gốc.

Hiện, cua Cà Mau sống của Việt Nam đã xuất sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản nhưng sản lượng còn khá thấp. Tỉnh cũng đang hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối giao thương tìm các đơn hàng xuất khẩu lớn.

Ngoài cua, ốc hương hấp sẵn đông lạnh được tiêu thụ tốt, giá 25 USD mỗi pound (khoảng 450 gram) loại 60 con mỗi kg. "Không chỉ bán vào chợ, ốc hương còn phân phối được cho một vài nhà hàng", bà Thư nói.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (Vasep), Mỹ là thị trường nhập khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam trong quý I, tăng trưởng 16%, đạt 330 triệu USD. Xuất khẩu tôm, cá ngừ, cá tra và cua ghẹ tăng 13-53%.