Vì sao tàu cao tốc TP HCM - Côn Đảo dừng chạy sau 2 tháng hoạt động?

Thanh Bình
Nguyên nhân chính được Công ty cổ phần tàu cao tốc Phú Quốc (Phú Quốc Express - chủ đầu tư) đưa ra là hiệu quả tuyến chưa đạt như kỳ vọng, bất cập ở khâu đi lại từ trung tâm thành phố đến cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, tác động đến sự lựa chọn của khách.

Sau hai tháng vận hành, tàu cao tốc Thăng Long sức chứa 1.017 người, chạy tuyến TP HCM - Côn Đảo dừng đón khách từ 29.7.2024

Tàu cao tốc Thăng Long neo ở cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, để đón khách. Ảnh: Quỳnh Trần

Tàu cao tốc Thăng Long neo ở cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, để đón khách. Ảnh: Quỳnh Trần

Ông Vũ Văn Khương, Tổng giám đốc Phú Quốc Express, cho biết gần hai tháng vận hành, lượng khách mỗi chuyến đạt chưa đến 50% công suất. Trong đó, bình quân ngày thường tàu chở khoảng 200 khách, dịp cuối tuần tăng lên 600-700 người mỗi chuyến. Mức này thấp hơn kỳ vọng tàu được lấp đầy bình quân 70-80% và cũng ít hơn so với tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo với sức chứa tương đương.

Theo ông Khương, từ khi khai trương đến nay, doanh nghiệp chưa ghi nhận phản ánh từ khách về phương tiện hay dịch vụ trên tàu, chủ yếu chỉ nêu sự bất tiện khi đi lại, lên tàu ở đầu bến TP HCM. Lúc triển khai tuyến, lường trước việc cảng đón khách cách trung tâm thành phố hơn 20 km, công ty bố trí xe trung chuyển nhưng vẫn còn một số bất cập. Chưa kể đơn vị chủ yếu hoạt động hàng hải nên thiếu kinh nghiệm đường bộ.

Vấn đề đưa đón ở đầu TP HCM không ít lần bị khách đi tàu cao tốc phàn nàn. Anh Thành Nam, 28 tuổi, cho biết rất muốn đi Côn Đảo nhưng trước đây vé máy bay khá đắt, nhất là dịp lễ và cuối tuần. Do đó, khi tàu cao tốc vận hành, anh và bạn bè lên kế hoạch đi ngay trong tháng 5.

"Dịch vụ trên tàu tương đối tốt nhưng quãng đường từ trung tâm Sài Gòn xuống cảng Hiệp Phước khá gian nan", anh Nam nói. Lần xuống tàu đi Côn Đảo, anh và bạn từ quận 3 chạy xe máy gần một giờ đồng hồ mới tới cảng. Suốt đường đi anh phải nhiều lần nhìn bản đồ định vị do không quen đường. Từ chỗ gửi xe máy đến cảng hơn một km, khách đông nhưng xe trung chuyển ít, nhiều người đi bộ với lỉnh kỉnh hành lý. Lúc trở về, nhiều khách không bắt được xe về lại trung tâm.

"Mình ở thành phố mà vẫn còn khó khăn thì du khách từ xa đến, người lớn tuổi sẽ không muốn có trải nghiệm này", anh Nam nói.

Một khoang hành khách nằm ở tầng 1 của tàu cao tốc. Ảnh: Quỳnh Trần

Một khoang hành khách nằm ở tầng 1 của tàu cao tốc. Ảnh: Quỳnh Trần

Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (Saigon Waterbus - đơn vị vận hành buýt sông tại TP HCM), cho rằng cảng Hiệp Phước cách xa trung tâm thành phố, dù có ôtô đón ở bến Bạch Đằng (quận 1), khách vẫn gặp bất tiện vì qua nhiều khâu trung chuyển, chưa kể còn các thủ tục đăng ký kèm theo. Khách đi xe cá nhân phải tốn thêm phí ra vào cảng ngoài tiền vé. Dịch vụ ở khu vực cảng chưa phát triển, khó đón taxi gây bất tiện cho khách.

Với điều kiện giao thông kết nối cảng Hiệp Phước nhiều bất cập như vậy, ông Toản cho rằng doanh nghiệp sẽ đối mặt nhiều trở ngại và khó đảm bảo hiệu quả, doanh thu. Chưa kể, tàu biển chạy phụ thuộc vào thời tiết, không thể hoạt động xuyên suốt cả năm mà tối đa chỉ 7-8 tháng. Thời gian còn lại tàu phải dừng khi khí hậu không thuận lợi, nhất là mùa biển động những tháng cuối năm.

"Điều kiện tự nhiên khiến tàu không thể khai thác xuyên suốt vốn là một bất lợi đối với doanh nghiệp. Để bù lại, tỷ lệ lấp đầy trên mỗi chuyến cần đạt bình quân hơn 60% mới hiệu quả, nhưng tình hình hiện nay rất khó", ông Toản nói, cho rằng cơ quan quản lý cần tính toán phối hợp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn đến hạ tầng, kết nối ở cảng Hiệp Phước. Đồng thời, ông đề xuất nghiên cứu phương án sử dụng cảng Bến Nghé, quận 4, sát khu vực nội đô, để tàu ra vào, tương lai tạo một "hệ sinh thái" phát triển giao thông, du lịch đường thuỷ.

Gần 25 năm làm trong ngành du lịch, ông Nguyễn Minh cũng đồng tình phương án tạo điều kiện để tàu cao tốc cập cảng khu vực trung tâm giúp thuận tiện hơn. Điều này cũng phù hợp chủ trương quy hoạch các bến thủy có quy mô trên sông Sài Gòn để phát triển du lịch đường sông của thành phố. Trong trường hợp tàu vẫn xuất phát ở cảng Hiệp Phước, đơn vị vận hành cần tổ chức đưa đón khách bằng shuttle bus (xe bus chở khách từ sân bay về trung tâm) theo hình thức giá trọn gói, tức đã tính vào chi phí vé.

Tầng trên cùng của tàu là không gian để khách uống cà phê, ăn uống và giải trí. Ảnh: Quỳnh Trần

Tầng trên cùng của tàu là nơi khách uống cà phê, ăn uống và giải trí. Ảnh: Quỳnh Trần

"Thành phố đang đẩy mạnh du lịch đường thủy, lễ hội sông nước vừa diễn ra, nếu để tuyến tàu được du khách kỳ vọng phải dừng hoạt động vì chuyện bến bãi là điều rất khó coi", ông Minh nói. TP HCM cần quan tâm hơn đến kết nối giao thông đường thuỷ, cầu tàu cho du thuyền, tàu du lịch, khai thác sông Sài Gòn là thương cảng chứ không chỉ là bến thuyền.

Ông Minh cũng cho rằng hãng tàu nên có thêm nhiều chính sách ưu đãi thu hút khách như với nhóm đi từ hai người trở lên sẽ được phục vụ đồ ăn, nước uống... suốt thời gian tàu chạy trên biển.

Tổng giám đốc Phú Quốc Express Vũ Văn Khương cho hay vấn đề bố trí nơi đón khách ở nội đô đã được đơn vị tính đến trước khi tàu hoạt động. Tuy nhiên điều này gặp khó bởi Thăng Long là tàu lớn chạy trên biển. Khi đi sâu vào nội thành, tàu không được chạy nhanh vì tạo sóng lớn, ảnh hưởng phương tiện khác cùng hai bờ sông. Nếu chạy chậm, thời gian di chuyển sẽ kéo dài.

Theo ông Khương, sau khi dừng, tàu Thăng Long được chuyển qua phục vụ chặng Vũng Tàu - Côn Đảo đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch ở tuyến này tăng cao. Về lâu dài doanh nghiệp đang tìm phương án thích hợp hơn nhằm thuận tiện cho khách, nhất là ở đầu bến TP HCM, sớm vận hành tàu trở lại.