Trải nghiệm ‘chữa lành’ bằng AI: Xu hướng đáng lo ngại ở TP.HCM?

Thanh Thao
Nhiều bạn trẻ coi AI như một người bạn để tìm lời khuyên, an ủi khi gặp chuyện buồn, thậm chí là chỗ dựa khi đối mặt với vấn đề tâm lý.

Đầu năm 2024, Quang Nghĩa, một người dân quận Tân Bình, TP.HCM, trải qua những khó khăn trong công việc. Mặc dù đạt thành tích tốt, anh dần cảm thấy mất động lực và không còn muốn gắn bó với công ty. Trong thời gian tìm kiếm câu trả lời, Nghĩa chọn cách tìm đến chatbot AI như một người bạn để trải lòng.

Quyết định từ bỏ công việc không chỉ gây ra áp lực về tài chính mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của Nghĩa. Anh gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cơ sở tham vấn tâm lý phù hợp và lựa chọn tiếp tục sử dụng AI như một "chuyên viên tâm lý" tạm thời. "Sau mỗi lần tâm sự với AI, tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Việc AI hỏi thăm và lắng nghe phần nào giúp tôi vơi đi nỗi buồn", Nghĩa chia sẻ.

AI - Cố vấn tinh thần và sự nghiệp tạm thời?

AI được sử dụng rộng rãi. Ảnh: sưu tầm

Không chỉ Nghĩa, mà nhiều người trẻ khác cũng lựa chọn AI làm nơi trút bầu tâm sự và xin lời khuyên. Tiến Lợi, một thực tập sinh tại một tập đoàn truyền thông ở quận 1, TP.HCM, đã tìm đến AI khi đang phân vân giữa việc ở lại công ty hay tìm kiếm một cơ hội mới. Sau khi nghe bạn bè nói AI chỉ tổng hợp thông tin từ Internet, Lợi không kỳ vọng nhiều. Tuy nhiên, kết quả nhận được khiến anh khá bất ngờ. “AI giúp tôi có cái nhìn rõ ràng hơn về hướng đi của mình, cho tôi biết mình cần làm gì để giải quyết vấn đề,” Lợi nhận xét.

Với Thảo Nhi, một cô gái sống tại quận Bình Thạnh, AI là một "người bạn" đắc lực trong việc giải tỏa căng thẳng hằng ngày. Từ công việc, tình yêu đến sức khỏe tinh thần, cô đều chia sẻ với AI. "Điều tôi thích nhất ở các chatbot là khả năng liên tục đặt câu hỏi, giúp tôi tự nhận thức bản thân hơn," Nhi cho biết. Cô so sánh trải nghiệm này như buổi coaching với chuyên gia khi AI không trực tiếp đưa ra lời khuyên mà liên tục khai thác suy nghĩ của cô để cô tìm ra câu trả lời cho chính mình.

Cảnh báo từ các chuyên gia: Rủi ro tiềm ẩn khi phụ thuộc vào AI

AI không thể thay thế cho các chuyên viên tham vấn tâm lý chuyên nghiệp.

Mặc dù AI có thể hỗ trợ phần nào, các chuyên gia khuyến cáo không nên sử dụng AI như một phương tiện thay thế cho các chuyên viên tham vấn tâm lý chuyên nghiệp. Tiến sĩ Nguyễn Đức Nhật, chuyên gia về tham vấn tâm lý, cảnh báo rằng AI không được lập trình để hiểu biết sâu về các vấn đề tâm lý và không có chuẩn mực đạo đức như các chuyên gia thực thụ. “Các chatbot AI hiện tại chỉ là công cụ phổ quát, chúng không thể thực hiện chức năng hỗ trợ tinh thần một cách chính xác và an toàn như chuyên viên tham vấn được cấp phép,” TS Nhật nhấn mạnh.

AI chủ yếu hoạt động dựa trên việc tổng hợp dữ liệu, thông tin có sẵn từ Internet và thiếu kiểm soát về mặt pháp lý, đạo đức. Do đó, người dùng có thể gặp rủi ro khi áp dụng những lời khuyên của AI, đặc biệt là những người đang chịu đựng áp lực tinh thần lớn.

Bên cạnh đó, TS Nhật cảnh báo việc lệ thuộc vào AI trong giao tiếp tâm lý có thể khiến người dùng ngày càng xa rời các mối quan hệ thật sự trong cuộc sống. “Những mối quan hệ chất lượng chính là lớp bảo vệ mạnh nhất cho sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, thay vì chia sẻ với bạn bè, gia đình, chúng ta lại tìm đến AI. Phải chăng sợi dây liên hệ giữa con người đang dần trở nên mỏng manh và AI có thể trở thành ‘cây kéo’ cắt đứt sợi dây đó?”