Nguyễn Minh Phú hiện là sinh viên năm hai khoa Công nghệ vật liệu, trường Đại học Khoa học Tự nhiên- Đại học Quốc gia TpHCM nhưng lại có tình yêu đặc biệt với loài rắn. Ngay từ nhỏ, thường xuyên chứng kiến cảnh rắn bò vào nhà nhưng gia đình anh không đánh mà chỉ tìm cách xua đuổi. Cho đến năm lớp 9, Phú bắt đầu nghiêm túc tìm hiểu về loại bò sát này. “Khi biết mình tìm hiểu và có chút kiến thức về rắn. Tình cờ một hôm cô giáo dạy cấp 2 gọi điện kêu con ơi nhà cô có con rắn bò vô. Con qua hỗ trợ cô. Đó là lần đầu tiên mình đi hỗ trợ giải cứu rắn” Phú cho hay.
(Nguyễn Minh Phú chụp trong một chuyến đi rừng)
Sau lần đầu tiên giải cứu thành công con rắn bò vào nhà cô giáo, Phú suy nghĩ tới việc thành lập nhóm giải cứu rắn trong thành phố. Thật tình cờ, trên mạng xã hội cũng có bạn trẻ như Nam, Lộc ...chung đam mê, tình yêu dành cho loài rắn. Nhóm Viet Snake Rescuer (tạm dịch là nhóm cứu hộ rắn Việt Nam) ra đời vào năm 2022 với 6 thành viên chính thức. Đặc biệt, hoạt động hỗ trợ này là hoàn toàn miễn phí.
“Nhóm cứu hộ rắn có một số điện thoại đường dây nóng và mình là người giữ. Khi nào người dân thấy rắn bò vào nhà gọi điện. Tụi mình sẽ xem ai gần khu vực đó nhất thì chạy qua hỗ trợ. Ở thành phố thường là rắn không độc nên xử lý nhanh gọn. Sau đó tụi mình sẽ đưa con rắn vào rừng để thả”, Phan Tấn Lộc, thành viên của nhóm chia sẻ.
( Phan Tấn Lộc chuẩn bị chụp hình cho rắn)
Giải cứu rắn là di dời, đưa chúng về đúng môi trường sống yêu thích là rừng. Sau mỗi lần đi thả, có thời gian rảnh vào buổi tối nhóm các bạn trẻ lại tiếp tục tìm tòi khám phá các giống loài bò sát. Nhóm muốn chụp lại hình ảnh của những loài bò sát lưỡng cư mới, lạ tại Việt Nam.
“Phần lớn các thành viên trong nhóm đều là sinh viên. Vì vậy, để tránh gặp những rủi ro tụi em phải tự trang bị cho mình những kiến thức. Kiến thức về loài rắn nào có độc, loài nào không. Khi đi rừng mình cần phải chuẩn bị những gì. Đặc biệt điểm mà tụi mình đến là rừng. Cho nên hỏi các chú, các anh kiểm lâm là một trong những việc làm cần thiết”, Hồ Hải Nam thành viên gắn bó nhiều năm với đội cứu hộ rắn cho hay.
(Hồ Hải Nam trong chuyến đi rừng gần đây)
Tính đến nay, đội cứu hộ rắn đã giải cứu được hàng chục cuộc xung đột giữa rắn và người tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chụp được hơn 100 loài bò sát lưỡng cư khác nhau. Mục đích là qua mỗi cuộc giải cứu, mỗi tấm ảnh, nhóm muốn gửi thông điệp tới nhiều người về bảo vệ rắn, bảo vệ môi trường sống. Rắn không đáng sợ như người ta nghĩ. Chúng ta hãy bình tĩnh xử lý tình huống khi gặp rắn thay vì hành động mạnh tay với chúng.
NHIÊN MINH