Nghề lồng tiếng giữa ranh giới chuyên môn và hào quang: Khi "người nổi tiếng" là vé thông hành

Đinh Ngọc Phương Linh
Trong những năm gần đây, điện ảnh hoạt hình ngoại nhập tại Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Các bom tấn Hollywood khi về nước thường được đầu tư công phu ở phần lồng tiếng để tiếp cận nhóm khán giả đại chúng, đặc biệt là trẻ em. Tuy nhiên, đi cùng với sự đầu tư đó là một hiện tượng đang gây tranh cãi sự tham gia ngày càng nhiều của các gương mặt nổi tiếng vào lĩnh vực lồng tiếng, bất chấp yếu tố chuyên môn.

Gần đây, cộng đồng mạng không ngừng bàn tán khi bản lồng tiếng Việt của Doraemon: Nobita và Cuộc Phiêu Lưu Vào Thế Giới Trong Tranh chính thức ra rạp với sự góp giọng của hai gương mặt đình đám trên mạng xã hội: Salim và Long Hạt Nhài. Dù tên tuổi của họ thu hút được sự chú ý, nhưng phần thể hiện lại gây tranh cãi dữ dội. Không ít khán giả nhận xét giọng lồng thiếu cảm xúc, thoại còn gượng và chưa “ăn” với nhân vật yếu tố then chốt trong nghệ thuật lồng tiếng. Sự hoài nghi về việc chọn người nổi tiếng thay vì diễn viên có chuyên môn tiếp tục được “xới lên”, cho thấy công chúng ngày càng khắt khe hơn với chất lượng nội dung thay vì chỉ dừng lại ở sức hút tên tuổi.

Nhiều trường hợp tương tự cũng khiến khán giả đặt dấu chấm hỏi về tiêu chí lựa chọn diễn viên lồng tiếng cho các dự án điện ảnh và phim hoạt hình hiện nay. Trước đó là Hoa hậu Kỳ Duyên, người đã công bố đoạn lồng tiếng cho vai chính trong phim điện ảnh Holy Night. Tuy nhiên, phần thể hiện của cô nhanh chóng vấp phải nhiều lời chê bai từ khán giả vì thiếu cảm xúc, thiếu kỹ thuật thoại, và làm giảm đi sức hút của những cảnh quan trọng trong phim.

Tương tự, Fishlegs Ingerman trong Bí kíp luyện rồng bản live-action 2025 sẽ do TikToker Hùng Huỳnh người đang có độ “nóng” và nhận diện cao sau chương trình Anh Trai Say Hi lồng tiếng. Dù chưa có trích đoạn công bố, việc chọn người nổi tiếng mạng xã hội thay vì nghệ sĩ lồng tiếng chuyên nghiệp đã gây tranh cãi và lo ngại về chất lượng phim.

Thực tế, ngành lồng tiếng không chỉ đòi hỏi giọng nói rõ ràng mà còn yêu cầu kỹ năng diễn xuất bằng lời thoại, khả năng cảm nhận tâm lý nhân vật và phối hợp ăn ý với hình ảnh. Trước đây, khi những cái tên như Trấn Thành (vai Marty trong Madagascar 3) hay Diệu Nhi (Gidget trong The Secret Life of Pets) được mời tham gia, dù là người nổi tiếng, họ vẫn nhận được đánh giá tốt vì xuất thân từ sân khấu kịch, có nền tảng diễn xuất bài bản. Còn hiện nay, việc mời “ai đang hot là được” đang khiến khán giả mất dần niềm tin vào chất lượng của các bản lồng tiếng Việt.

Việc mời người nổi tiếng tham gia lồng tiếng không hoàn toàn tiêu cực. Họ có thể góp phần thu hút sự chú ý và lan tỏa rộng rãi hơn đến công chúng, nhất là khi phim hoạt hình vẫn thường bị xếp vào “vùng dễ bị bỏ qua” trong thị trường điện ảnh Việt Nam. Đối tượng khán giả chính của thể loại này thường là trẻ em những người có xu hướng tiếp nhận nội dung theo cách thoải mái và ít khắt khe hơn, điều này phần nào khiến khán giả dễ “nhẹ tay” khi đánh giá chất lượng lồng tiếng.

Tuy nhiên, nếu nhà sản xuất chỉ coi việc mời người nổi tiếng như một chiêu thức marketing, mà xem nhẹ yếu tố kỹ thuật nghệ thuật trong diễn xuất bằng giọng nói  thì chính trải nghiệm điện ảnh sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Về lâu dài, điều này cũng khiến cho nỗ lực của những nghệ sĩ lồng tiếng chuyên nghiệp dễ bị lu mờ, dù họ đã dành cả sự nghiệp để nâng tầm vốn là một công việc âm thầm, đòi hỏi nhiều tâm huyết và kỹ năng, nhưng người làm thường không được nhìn thấy hay nhớ đến như những diễn viên trên màn ảnh

Khán giả ngày càng tinh ý. Họ không còn chấp nhận một bản lồng tiếng “cho vui”, mà đòi hỏi nhiều hơn một giọng nói có chiều sâu, đủ để khiến nhân vật trở nên sống động và có hồn. Điều đó chỉ có thể đạt được khi người thực hiện thật sự hiểu và tôn trọng bộ môn này.

Lồng tiếng là một nghề chuyên biệt, không phải sân chơi cho người có danh tiếng nhưng thiếu nền tảng kỹ năng. Nếu tiếp tục xu hướng lựa chọn dựa trên độ nhận diện thay vì năng lực, ngành công nghiệp điện ảnh hoạt hình Việt có thể phải đánh đổi niềm tin khán giả, và nghiêm trọng hơn là đánh mất cả một thế hệ diễn viên lồng tiếng trẻ đầy tiềm năng đang âm thầm cống hiến.

Trong một thị trường ngày càng cạnh tranh và khắt khe về chất lượng, tôn trọng chuyên môn không chỉ là điều nên làm mà là điều bắt buộc, để không ai còn phải đặt câu hỏi: “Vì sao lồng tiếng lại… dở vậy?”