Ngay sau khi phim ra rạp, nhiều diễn đàn điện ảnh bùng nổ tranh luận. Không ít khán giả bày tỏ sự hoài nghi về tính hợp lý của việc đưa các cảnh thân mật vào một tác phẩm lấy bối cảnh chiến tranh ác liệt. Một số câu hỏi liên tục được đặt ra: "Trong lúc bom rơi đạn nổ, liệu còn chỗ cho tình yêu? Những cảnh như vậy có thật sự cần thiết?"
Thậm chí, nhiều ý kiến còn phản đối gay gắt. Trên fanpage Movie Lines Taken Out Of Context, có người cho rằng cảnh quay của Út Khờ làm giảm hình tượng người chiến sĩ. Họ nhận định rằng hình ảnh một nữ du kích kiên cường bị biến thành người phụ nữ yếu đuối, cam chịu là không phù hợp. Một số ý kiến cho rằng bộ phim nên tập trung khắc họa tinh thần kỷ luật, ý chí sắt đá của người lính thay vì đào sâu vào những góc tối dễ gây tranh cãi.
Trong khi đó, phân cảnh giữa Ba Hương và Tư Đạp, dù mang tính nghệ thuật hơn, vẫn khiến một bộ phận khán giả cảm thấy lạc điệu. Họ cho rằng sự lãng mạn đó không phản ánh đúng hiện thực khốc liệt của địa đạo Củ Chi năm 1967, nơi sự sống mong manh từng giây, và những hành vi thân mật là điều xa xỉ.
Dẫu vậy, không ít người trong giới chuyên môn lại có góc nhìn tích cực hơn. Họ cho rằng những cảnh “nóng” trong phim không chỉ đơn thuần là yếu tố gây chú ý mà còn là cách đạo diễn thể hiện chiều sâu tâm lý nhân vật – khát vọng được sống, được yêu, và được là con người, dù chỉ trong chốc lát giữa địa ngục chiến tranh.
NSND Lý Thái Dũng khẳng định: “Đó là bản năng tự nhiên, hoàn toàn bình thường. Trong chiến tranh, con người vẫn luôn khao khát tình yêu, sự kết nối. Những ai từng xem nhiều phim chiến tranh quốc tế sẽ thấy đây không phải điều mới mẻ.” Ông cũng cho rằng những phản ứng gay gắt có thể đến từ khán giả trẻ chưa có đủ trải nghiệm hoặc nhìn nhận từ góc độ cá nhân.
Về phía đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, ông chia sẻ: “Tôi đã cân nhắc kỹ. Những khoảnh khắc đó không chỉ là sự gần gũi giữa hai con người, mà là khát vọng được sống, được yêu. Khi cái chết cận kề, tình yêu là điều duy nhất có thể khiến họ cảm thấy mình vẫn đang tồn tại.”
NSND Phạm Nhuệ Giang cũng dành lời khen cho cách thể hiện của đạo diễn. Theo bà, cảnh giữa Ba Hương và Tư Đạp giống như "ngọn lửa bùng lên từ tình yêu bị kìm nén", một giây phút nhân văn chạm đến cảm xúc người xem. Dù thừa nhận cảnh của Út Khờ cần sự tinh tế hơn trong cách thể hiện, bà vẫn ủng hộ quyết định nghệ thuật của đạo diễn: “Đó là tiếng nói của nhân tính, một cách khẳng định sự sống giữa cái chết.”