Mỹ giữ ngôi vương dầu mỏ 6 năm liên tiếp

Lại Trường Giang
Vượt qua Nga năm 2018, Mỹ giành ngôi vương sản xuất dầu mỏ thế giới đến nay và nới rộng khoảng cách trong top 3.

Số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết sản lượng dầu mỏ năm 2023 lên tới 12,9 triệu thùng mỗi ngày, vượt xa Arab Saudi, Nga và phá kỷ lục 2022 là 12,3 triệu thùng mỗi ngày.

"Mỹ đã sản xuất nhiều dầu thô hơn bất kỳ quốc gia nào, vào bất kỳ thời điểm nào trong sáu năm liên tiếp vừa qua", EIA kết luận.

Dầu mỏ, còn được ví von là "vàng đen" gắn liền với lịch sử kinh tế Mỹ. Ngày 27/8/1859, dầu phun ra từ giếng đầu tiên do Edwin Drake khoan ở Titusville, Pennsylvania. Trong vòng 24 giờ, dân số của ngôi làng 250 người này đã tăng gấp 40 lần. Ngày nay, công nghiệp dầu mỏ Mỹ chuyển dịch đến Texas, với thành phố Midland thuộc lưu vực Permian, được xem là thủ phủ dầu mỏ thế giới.

Sau khi đạt đỉnh 9,6 triệu thùng mỗi ngày vào năm 1970, sản lượng dầu thô hàng năm của Mỹ đi ngang và sau đó nhìn chung giảm trong nhiều thập kỷ xuống mức thấp 5 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2008.

Nhiều thâp kỷ suy giảm là giai đoạn mà nước này "cam chịu mua hàng từ các quốc gia vùng Vịnh" để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ những chiếc SUV cỡ lớn chạy trên đường cao tốc của đất nước, theo Le Monde. Bước ngoặt đến vào năm 2009, khi công nghệ bẻ gãy thủy lực (fracking) và khoan ngang đã giúp dầu đá phiến bùng nổ ở Texas, New Mexico và những nơi khác.

Mất thêm một thập kỷ, đến 2018, Mỹ mới giành được ngôi vương sản xuất dầu mỏ toàn cầu và ngày càng củng cố vị thế suốt 6 năm qua. Theo Le Monde, bất chấp lời kêu gọi của các nhà khoa học và Cơ quan Năng lượng Quốc tế nhằm giảm sản xuất nhiên liệu hóa thạch toàn cầu để chống biến đổi khí hậu, mong muốn chủ quyền về năng lượng của Mỹ đã chiến thắng.

Thực tế, sức mạnh của người dẫn đầu giúp Mỹ đạt được các quyền tự chủ và chủ động hơn về giá cả trên thị trường. Năm ngoái, chỉ riêng Mỹ, Arab Saudi và Nga đã cung cấp gần 40% sản lượng dầu của thế giới, đạt tổng cộng 32,8 triệu thùng mỗi ngày. Trong khi, 3 nước lớn tiếp theo gồm Canada, Iraq và Trung Quốc chiếm thị phần nhỏ hơn đáng kể, cộng lại chỉ ở mức 13,1 triệu thùng mỗi ngày

Và vì Mỹ không phải là thành viên của Tổ chức các quốc gia Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), nhưng chi phối lớn sản lượng đáng kể nên OPEC lẫn OPEC + giờ gặp khó khăn trong việc áp đặt mức giá mong muốn của họ lên thị trường thế giới. Điều đó khiến OPEC+ phải tự nguyện giảm sản xuất để giữ giá dầu.

Gần đây nhất, OPEC+ đã đồng ý gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng mỗi ngày sang quý II trong bối cảnh lo ngại về tăng trưởng toàn cầu và sản lượng sản xuất của các nước ngoài khối đang gia tăng.

Với Arab Saudi, gã khổng lồ Saudi Aramco chứng kiến lợi nhuận giảm 25% năm ngoái. Trong khi, Nga là quốc gia có sản lượng dầu thô nhiều nhất năm 2017 nhưng tốc độ tăng trưởng sản xuất đã tụt hậu so với Mỹ từ đó. Sản lượng trung bình hàng năm ở Nga đạt đỉnh năm 2019 ở mức 10,8 triệu thùng mỗi ngày, kém Mỹ 1,4 triệu thùng mỗi ngày.